Con là khách quý – Ghi chép về cách người Mỹ nuôi dạy con

Như bao phụ nữ lần đầu làm mẹ khác, tôi cũng có rất nhiều điều bỡ ngỡ mà bản thân chưa từng trải qua: từ chuyện mang bầu đến phương pháp nuôi dạy con. Tôi coi sách là một kho tài liệu để học hỏi kinh nghiệm nhưng thú thực rằng rất khó để tìm ra một cuốn sách tâm đắc giữa bạt ngàn các cuốn sách về nuôi dạy con. Tôi chú ý đến “Con là khách quý” không bởi cái tựa sách mà có lẽ bởi tên tác giả. Đây là một cuốn sách được viết bởi một bà mẹ Việt chứ không phải một bà mẹ Mỹ, Nhật, Pháp hay bất cứ một nước tiên tiến nào. Bởi vậy nó sẽ gần gũi với người Việt hơn bởi dù sao chị cũng từng sống tại Việt Nam, hiểu về xã hội Việt, hiểu về cách suy nghĩ của các bà mẹ Việt Nam hơn. Và tôi đã tìm được một cuốn cẩm nang thực sự hữu ích, giải đáp được những thắc mắc của mình về phương pháp dạy con.

Cuốn sách được viết bằng sự quan sát, trải nghiệm, suy nghĩ và cả trái tim của một bà mẹ Việt sinh con và đang nuôi dạy con trên đất Mỹ nhưng những vấn đề mà tác giả đề cập đến trong cuốn sách này lại gần gũi với bất cứ bà mẹ nào ở bất cứ quốc gia nào. Từ việc cho con ăn, cho con ngủ, đến việc thể hiện yêu thương, dạy con cách tự lập và cả các vấn đề tâm lý mà bà mẹ nào cũng thấy được hình ảnh của mình trong đó. Không sa vào những kiến thức hàn lâm khó hiểu, Kẩm Nhung chọn cách viết giản dị, dễ hiểu nhưng đầy tính thuyết phục. Đọc sách của chị có cảm giác như đang nghe một lời tâm sự chân thành từ một người mẹ may mắn được sống và trải nghiệm những nét ưu việt trong cách nuôi dạy con của người Mỹ và giờ đây đang muốn chia sẻ lại những bí quyết đó với các bà mẹ khác.

Phải thừa nhận rằng khi đọc chương đầu tiên của cuốn sách tôi đã bị thu hút bởi cách viết nhẹ nhàng, chân thành mà chứa đầy thông tin hữu ích của tác giả Kẩm Nhung. Chị viết về chính trải nghiệm mang bầu của mình trên đất Mỹ từ khi biết mình có thai, đi khám, siêu âm đến những điều quen thuộc như chế độ ăn uống, sắm sửa quần áo, đồ dùng cho đứa trẻ. Đọc những dòng này, có cảm giác rằng mình đang được nói chuyện với một chuyên gia tư vấn tâm lý giỏi bởi những kiến thức chị chia sẻ trong chương này rất gần gũi và cần thiết cho bất cứ ai đang có ý định có con. Và nó cũng xua tan đi những lo lắng bấy lâu còn ám ảnh tôi, từ chuyện đi đứng, du lịch, ăn uống đến hàng tá thay đổi tiêu cực mà tôi vẫn nghe thấy từ những người xung quanh. Tôi hiểu rằng bầu bí là một giai đoạn khó khăn nhưng thay vì nghĩ tới những nỗi lo mà nguồn gốc chưa được xác minh, tôi chỉ nên tin vào những kiến thức có cơ sở khoa học rõ ràng.

Nhìn những bà bầu Mỹ đi trên đường, tôi quên hẳn tưởng tượng của mình về những con vịt mẹ. Trông họ kìa, rất khoan thai, khỏe khoắn và duyên dáng dù đã sát ngày sinh. Họ khá năng vận động trong giai đoạn có bầu. Các lớp yoga cho bà bầu nhiều như nấm. Nhiều bà mẹ tương lai cũng tụ họp nhóm để cùng nhau đi bộ, bơi, và tập thể dục. Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng, hợp lý này giúp bà bầu thon gọn, dẻo dai, đỡ mệt mỏi, căng thẳng, tất nhiên ai cũng biết rằng đây là sự chuẩn bị rất tốt cho quá trình vượt cạn”.

Những lời khuyên của Kẩm Nhung được đúc rút từ quá trình quan sát tỉ mỉ từng chi tiết, nghiên cứu thận trọng  những điều chị mắt thấy tai nghe trên đất Mỹ. Ngay từ chương mở đầu ta đã bắt gặp những ví dụ đầy ắp thông tin như thế, chị kể lại câu chuyện về một người cha bình thường đang thổi bóng cho một cô con gái nhỏ thì bỗng nhiên cậu con trai nhảy lên đòi giành quả bóng đó. Từ tốn, không mất bình tĩnh, không thỏa hiệp, người cha ấy đã dạy cho con mình về tính kiên nhẫn, biết xếp hàng, không tranh giành những vật thuộc về người khác mặc dù đồ vật ấy chỉ là một quả bóng nhỏ. Bình luận về điều này, chị đã viết:

Tôi ngồi lặng im quan sát mà như thấy thời gian thong dong trôi trước mắt. Vì người đàn ông này đã không tìm đường tắt: Ông không quay sang ‘ra lệnh’ cho cậu bé ‘Đợi đến lượt đã!’ Không giận dữ vì cậu bé không nghe lời. Không thổi đại một quả bóng cho Felix trước cho xong chuyện. Ông cứ đi theo một con đường đã định, nhắc nhở cậu bé, thông cảm với mong muốn của cậu bé, nhưng vẫn kiên định nhắc cậu bé đợi, rồi khen ngợi khi cậu bé ngoan. Tôi không biết người đàn ông này là ai. Đây chỉ một người đàn ông hết sức bình thường, đang chơi với mấy đứa nhỏ trong công viên, một người đàn ông tôi không biết tên, không biết nghề nghiệp, không biết là bố của Carrie hay của Felix. Nhưng cách ông ta xử lý tình huống với hai đứa trẻ diễn ra trước mắt tôi, đẹp như một đoạn phim tài liệu về cách nuôi dạy trẻ.” Trong cuốn sách này, không khó để tìm ra những ví dụ đầy tính thiết thực như thế, trong đó tác giả sắm vai là một người kể chuyện duyên dáng và đầy thuyết phục.

Không chỉ quan sát kinh nghiệm nuôi dạy con của các ông bố bà mẹ khác, Kẩm Nhung còn chia sẻ những kinh nghiệm nuôi con của chính mình. Không thiên kiến, không vội vã kết luận, nhiều vấn đề trong cuốn sách này là thành quả quan sát của nhiều năm trải nghiệm trực tiếp từ tác giả trong quá trình nuôi dạy bé Xoài. Mười chương của cuốn sách bao quát hầu như toàn bộ quá trình mang thai, nuôi dạy con của chính tác giả. Bạn sẽ tìm được những kiến thức vô cùng bổ ích từ khi mang thai đến cách cho con ăn, tập cho con tự ngủ, dạy con tự nhiên, dạy con cách tự lập, biết kỷ luật và cũng học được cách tôn trọng con, coi con là những cá nhân khác biệt và tài năng. Đọc qua từng chương của cuốn sách ta sẽ không khó nhận ra những kiến thức rất khoa  học được tác giả trình bày logic, với mỗi tình huống tác giả đều có phần phân tích tâm lý con trẻ cũng như tâm lý chung của các bậc phụ huynh, từ đó rút ra được đâu là cách xử lý tốt nhất trong trường hợp đó. Những kiến thức chị nêu ra trong cuốn sách đều được tham khảo kỹ lưỡng từ các nguồn tham khảo đáng tin cậy và tư vấn từ các chuyên gia. Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn – Trưởng khoa Nhi bệnh viện quốc tế Victoria, TP HCM đã dành lời ngợi khen cho cuốn sách :”Đây là một cuốn sách hấp dẫn và bổ ích, nhất là những thông tin về chăm sóc sức khỏe và ăn uống cho bé. Trên hết, cuốn sách sẽ rất cần cho các bác sĩ nhi khoa (và cả sản khoa) ở Việt Nam đọc để thay đổi cách suy nghĩ và tư vấn cho các ông bố bà mẹ ở Việt Nam“.

Chia sẻ nhưng không áp đặt, chính tác giả cũng thừa nhận rằng trong quá trình nuôi dạy bé Xoài, chị luôn tìm tòi học hỏi và áp dụng một cách linh hoạt dựa theo tính cách và hoàn cảnh của mình. Chị cũng đầy khiêm tốn khi coi những gì chị viết trong cuốn sách đơn giản chỉ là sẻ chia những suy nghĩ của mình, những kinh nghiệm mà tự bản thân chị cảm thấy là đúng, là phù hợp với cá tính của mình, thời gian và điều kiện chị dành cho con và gia đình :”Chính vì thế mà nếu bạn thấy một số điều trong cuốn sách này phù hợp với suy nghĩ của bạn về cách nuôi dạy con, hãy áp dụng nó. Không phải vì nó là cách Mỹ, cách Tây…mà đơn giản vì nó là câu trả lời mà bạn vẫn tự tìm trong trái tim mình. Tôi chỉ muốn nói rằng dù làm bằng cách nào, con bạn cũng sẽ biết rằng bạn yêu nó. Và lựa chọn là của bạn“.

Tôi cảm thấy may mắn vì tìm đọc được cuốn sách này đúng vào thời kỳ mình mang thai và sắp đón đứa con đầu lòng, cuốn sách đã giúp tôi xua tan được rất nhiều lo lắng để đón nhận những niềm vui trong hành trình làm mẹ. Có thể có những phương pháp trong cuốn sách này tôi không thể áp dụng với con mình nhưng có hề gì, tác giả đã cho tôi thấy rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và chỉ có mẹ mới biết được nuôi dạy con như thế nào là tốt nhất cho con mình.

©

Trích đoạn

Bên cạnh việc ăn uống, cuộc sống của bà bầu Mỹ không thay đổi mấy so với trước khi có bầu, ngoài việc đều đặn khi khám bác sĩ (trong 6 tháng đầu của thai ký thì 4 tuần khám 1 lần, 3 tháng tiếp theo thì 2 tuần khám 1 lần, còn 3 tháng cuối cùng thì khám hàng tuần cho tới khi sinh). Mỗi lần khám, trừ thời gian đo cân nặng đo huyết áp lấy nước tiểu, thời gian với bác sĩ chỉ độ 15-20 phút. Bác sĩ nghe nhịp tim em bé, kiểm tra thêm nếu cần thiết, thông báo các kết quả và nói chuyện về những thay đổi của cơ thể, những xét nghiệm cần thực hiện sắp tới rồi hỏi xem có câu hỏi gì không thì trả lời.
Trong cả 9 tháng có bầu, phụ nữ Mỹ thường siêu âm rất ít, từ 1 đến 3 lần. Một lần vào lúc phát hiện thai nhi, lần thứ hai vào tuần thứ 20, và về sau nếu có vấn đề gì thì mới làm thêm siêu âm. Lượn lờ facebook, tôi thấy bạn bè mình ở Việt Nam liên tục cập nhật về chuyện “đi thăm con yêu”. Xem hoài tôi cũng thấy tò mò và ghen tị, cũng muốn nhìn thấy con xem nó lớn và phát triển thế nào. Vậy nên một hôm tôi hỏi bác sĩ: “Nhờ bác sĩ chỉ định xét nghiệm để tôi được siêu âm đượ không?” Bác bác sĩ người Mỹ gốc Phi nhíu mày: “Để làm gì? Thai nhi có vấn đề gì à?” Tôi thú thực rằng bạn bè ở nước tôi siêu âm rất nhiều. Bác lắc đầu cười bảo: “Chúng tôi chỉ siêu âm nếu có lý do y khoa thôi, nếu có vấn đề gì với thai nhi, còn nếu thai nhi phát triển bình thường thì không cần.”

Nhận định

“Yêu con chỉ là bản năng mà muôn loài đều có, nhưng giáo dục con cái thành ‘con người đúng nghĩa’ vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, cần phải học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mới có được. Tình yêu thương không đúng cách, sự hy sinh không đúng nơi, đúng chỗ, nhất là trong giáo dục con cái có khi lại là sự hại con!

– Th.S Tâm lý học Đinh Đoàn, Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội

“Được viết bằng sự quan sát, suy nghĩ và cả trái tim của một bà mẹ trẻ Việt Nam đang sống, sinh con và nuôi con trên nước Mỹ, Con là khách quý đem đến nhiều cái nhìn mới mẻ với những vấn đề không mới, vốn rất đơn giản hằng ngày đối với một gia đình –  từ việc cho con ăn, cho con ngủ, đến việc thể hiện yêu thương, dạy con cách tự lập và cả những vấn đề tâm lý mà  có lẽ hầu hết các bà mẹ đọc đều gặp thấy mình phần nào trong đó.”

– Chị Gấm Hương, mẹ bé Dứa, Hà Nội

“Là một cuốn sách rất đáng tham khảo dành cho các ông bố bà mẹ Việt của thời hiện đại. Cuốn sách đã tóm tắt  ngắn gọn tinh thần nuôi dạy thế hệ tương lai không chỉ của người Mỹ mà là của người phương Tây nói chung, một cách trung thực và rất tinh tuý. Sách được viết dưới góc nhìn của một người mẹ Việt sống, gặp gỡ, quan sát, học tập và trải nghiệm với các gia đình phương Tây nên cách viết rất gần gũi; thông tin rất thực tế và chi tiết. Mình rất thích.”

– Chị Hachun Lyonnet, mẹ bé Emily và Alexis

“Đây là một cuốn sách hấp dẫn và bổ ích, nhất là những thông tin về chăm sóc sức khỏe hay ăn uống cho bé. Tôi  nghĩ đây sẽ là một cuốn sách có ích cho các ông bố bà mẹ, và nhất là cho các ông bà nội ngoại của các em bé.  Trên hết, cuốn sách sẽ rất cần cho các bác sỹ nhi khoa (và cả sản khoa) ở Việt Nam đọc để thay đổi cách suy nghĩ  và tư vấn cho các ông bố bà mẹ ở Việt Nam.”

– Bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện quốc tế Victoria, TP Hồ Chí Minh

“Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, cách người Mỹ dạy con không chỉ nằm ở chuyện luyện con ngủ ngoan hay dạy  con biết yêu thích việc ăn uống. Mà như một thứ hương hoa phảng phất trong không khí, nó tạo nên một bầu không khí, một môi trường nuôi trẻ mà trong đó, dường như mỗi ông bố bà mẹ tôi gặp lại là một pháp sư, đang đối đãi  với đứa trẻ theo một cách “tu luyện” đứa trẻ thành một cá thể lớn lên tự tin, tự lập, đầy cảm thông, có đủ công cụ để hòa nhập với cuộc sống. Và không chỉ đứa trẻ, mà cả những ông bố bà mẹ đó cũng có thời gian để tận hưởng cuộc sống của chính mình.”

BA MẸ TẢI SÁCH ẤN VÀO ĐÂY Ạ